Làm sao để có một thành phố xanh
Cây xanh Hà Nội đã đi vào nhạc, vào thơ. Nhà văn Băng Sơn từng viết "trong máu người Hà Nội có vị sấu chua". Người Hà Nội không ai không tự hào về những "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" hay "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm". Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, các công trình cây xanh trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đơn vị được giao quản lý các công trình cây xanh của khu vực nội thành, thì hiện nay số lượng cây xanh thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị này là 45 nghìn cây. Nhưng số này chủ yếu tập trung ở bốn quận trung tâm nội đô gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Địa bàn các quận còn lại chỉ có rất ít, hoặc nếu có thì toàn cây nhỏ, chưa đủ đáp ứng "tiêu chuẩn xanh" của đô thị. Ngay trong khu vực nội đô, nơi tập trung nhiều cây xanh nhất cũng vẫn có những con phố không một bóng cây, do vỉa hè quá hẹp và mật độ dân số quá cao. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 70% diện tích không gian xanh. Triển khai Quy hoạch chung, vừa qua UBND thành phố đã thông qua Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch có nhiều điểm đột phá, là cơ sở để xây dựng một Thủ đô "xanh-sạch-đẹp" trong tương lai.
Do sự phát triển đô thị Hà Nội đa dạng cho nên quy hoạch đề ra các hướng phát triển khác nhau đối với từng khu vực. Đối với khu vực đô thị lịch sử ( gồm bốn quận nội thành cũ: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ), sẽ cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố. Do diện tích chật hẹp, để nâng diện tích cây xanh, thành phố sẽ tăng cường cây xanh trong các khu chung cư cũ với chỉ tiêu 1m2/người, chiếm khoảng 8- 10% quỹ đất khu cải tạo. Phần còn lại của khu vực nội đô sẽ phấn đấu đạt 3,9 m2 cây xanh/người. Tổng diện tích dành cho công viên, vườn hoa tại đây dự tính sẽ là 710 ha, trong đó cải tạo 42 vườn hoa, công viên, xây mới 18 công viên, vườn hoa. Điểm nhấn quan trọng nhất là sẽ có những công viên, vườn hoa ra đời từ quỹ đất khi di dời các cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện... Khu vực đô thị lõi mở rộng gồm các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh... sẽ xây dựng những công viên đa chức năng. Các công viên sẽ được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên - xã hội địa phương như: Tiềm năng về cảnh quan (đầm Vân Trì - huyện Đông Anh); Di tích văn hóa, lịch sử (di tích Cổ Loa, đền thờ Hai Bà Trưng); hoặc trên cơ sở gắn với các làng nghề hoa, cây cảnh... Ngoài ra, hệ thống công viên, vườn hoa còn được phối hợp các chức năng như: nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; thể dục, thể thao; giải trí; công viên chuyên đề gắn với khoa học...
Khắc phục tình trạng trồng cây xanh đô thị tự phát, dẫn đến nhiều tuyến phố không đồng nhất loại cây, nhiều loại cây không phù hợp cảnh quan đô thị, dễ gãy đổ, quy hoạch còn đưa ra bảng danh sách cây xanh đô thị, gồm 74 loài cây, trong đó có 35 loài cây bóng mát, còn lại là các cây hoa, cây trang trí. Các loại cây được chọn lựa ngoài tác dụng tạo bóng mát, cảnh quan đẹp, còn có tác dụng chống ồn, cản bụi, có khả năng xua đuổi động vật có hại... Những cây xanh bóng mát được khuyến khích trồng gồm: sao đen, sấu, sưa, ban, long não, trò chỉ, tếch, bàng... Thành phố cũng chú trọng tạo nên những tuyến phố có những loài cây đặc trưng, tương tự như cây sấu ở phố Phan Đình Phùng, cây hoa sữa ở phố Nguyễn Du, cây hoa ban ở đường Bắc Sơn... Đáng chú ý, những tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị cũng sẽ được "phủ xanh" bằng cây leo, kết hợp yếu tố thiết kế đô thị với thiết kế cảnh quan trên các tuyến đường, tạo những không gian đẹp cho Thủ đô.
Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn trong triển khai quy hoạch trên thực tế. Dự kiến, để có thể hoàn thành mục tiêu trồng, chăm sóc cây xanh, hồ nước và công viên như quy hoạch, kinh phí dự kiến lên tới 270.404 tỷ đồng. Trong đó, riêng khu vực trung tâm đã lên tới khoảng 211.000 tỷ đồng. Đây là con số vượt quá khả năng của ngân sách thành phố. Vì vậy, khi triển khai, thành phố cần có những giải pháp thích hợp để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Mặt khác, để tạo được những con phố xanh, có nét đặc trưng riêng không phải chuyện ngày một, ngày hai. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các loại cây xanh đô thị có sức sống mạnh nhất khi có đường kính thân từ 10 đến 12 cm. Từ lúc trồng đến lúc có tuyến đường phố đẹp phải mất trung bình từ 8 đến 12 năm. Do đó, không chỉ trông chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước, mà rất cần nâng cao nhận thức của người dân, để mọi người thấy được sự gắn bó mật thiết và quyền lợi của người dân với môi trường, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ nét đẹp của thành phố.