Khi chủ D.A bất động sản “ăn bớt” diện tích cây xanh

 

Sau khi được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận giao đất thực hiện D.A thì hầu hết diện tích cây xanh lại bị bóp lại để dành chỗ cho diện tích nhà ở, thậm chí có chủ đầu tư còn “ăn bớt” diện tích cây xanh để xây biệt thự ven sông, hoặc chỉ tập trung phân lô đất nền mà bỏ quên trách nhiệm trồng cây xanh.

 

Khi chủ D.A bất động sản “ăn bớt” diện tích cây xanh

Phần đất được quy hoạch trồng cây xanh tại D.A nhà ở của Cty CP Him Lam tại phường Tân Hưng, quận 7 vẫn chưa được triển khai.

 

Hệ quả là hàng loạt giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của khách hàng tại nhiều D.A tiềm ẩn nguy cơ bị hủy vì hạ tầng toàn bộ D.A chưa được hoàn thành thì chưa đủ điều kiện cấp giấy, còn cộng đồng địa phương phải gánh chịu cảnh ngột ngạt vì thiếu cây xanh.

 

Làm sai nhưng được hợp thức hóa

 

Theo quy hoạch 1/500 được cơ quan chức năng phê duyệt thì Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Trung Sơn có trụ sở tại 64 Trương Định, quận 3, là chủ đầu tư D.A xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, phải dành diện tích ven sông ông Lớn để trồng cây xanh vì đây là hành lang bảo vệ sông rạch tính từ mép bờ cao vào phía trong 30m.

 

Nhưng chỉ với vài tờ trình với mục tiêu ban đầu là xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao, hơn 3.200m2 đất, trong đó có hơn 500m2 đất hành lang bảo vệ sông ông Lớn đã được chủ đầu tư xây dựng hàng loạt công trình kiên cố. Hành vi xây dựng sai phép, sử dụng đất trái mục đích này diễn ra từ năm 2003 nhưng đến năm 2008 mới bị phát hiện khi Thanh tra TP Hồ Chí Minh thanh tra trên cơ sở kiến nghị của Ban quản lý khu Nam. Trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng còn phát hiện chủ đầu tư đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hơn 14.000m2 đất sông rạch trong tổng số hơn 65.000m2 đất được giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Dù sai phạm đã rõ, nhưng sau khi Thanh tra TP Hồ Chí Minh có báo cáo kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài đã có ý kiến chỉ đạo là cho phép chủ đầu tư được giữ lại hàng loạt hạng mục xây dựng sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch dù theo quy định pháp luật cũng như quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ thì chủ đầu tư phải trồng cây xanh trên diện tích đất này.

 

Không chỉ có thế, ngay cả thời điểm tháng 6/2008 khi giá đất nền tại khu dân cư Trung Sơn thấp nhất cũng là 30 triệu đồng/m2 thì lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh vẫn đồng ý cho chủ đầu tư được nộp bổ sung tiền sử dụng đất cho Nhà nước với mức giá rẻ đến giật mình là 1 trăm ngàn đồng/m2.

 

Vì vậy, ngày 10/6/2008, chủ đầu tư đã nhanh chóng nộp ngay hơn 1,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho hơn 14.000m2 đất sông rạch khi đó đã được phân lô xong vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP Hồ Chí Minh.

 

Bỏ quên trách nhiệm trồng cây xanh

 

Trong khi đó bên kia sông ông Lớn, tại D.A bất động sản hơn 58ha do Cty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư thuộc địa bàn phường Tân Hưng, quận 7, qua nhiều năm triển khai thì phần lớn nền biệt thự, nền nhà phố đã được bán hết cho khách hàng nhưng phần cây xanh vẫn loang lổ da beo.

 

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tại D.A của Cty Cổ phần Him Lam, phần diện tích cây xanh và Khu Thể dục thể thao là hơn 47.000m2 nhưng chủ đầu tư lại cho xây dựng nhà cho công nhân, nhà vệ sinh, nhà trưng bày, nhà để xe, nhà điều hành… còn mảng xanh thì vẫn chưa hoàn thiện.

 

Thực tế, tại một số khu vực được giao đất để trồng cây xanh theo quy hoạch, chủ đầu tư lấy lý do vướng đền bù giải tỏa để trì hoãn nghĩa vụ trồng cây xanh.

 

Thay vào đó hàng loạt khu đất nền đã được chuyển nhượng cho khách hàng và tiến hành xây dựng rầm rộ. Đó là tuyến đường D1 của D.A đã xây dựng nhà phố ken dày nhưng cuối đường vẫn còn khu đất trống theo quy hoạch là phần mảng xanh lại vướng một số nhà tạm của người dân.

 

Nhưng theo báo cáo của UBND quận 7 thì đây là diện tích đất do người dân sử dụng bất hợp pháp, mua bán giấy tay trên cơ sở là sổ đỏ có dấu hiệu cấp sai pháp luật nên việc chủ đầu tư lấy lý do vướng đền bù giải tỏa để chậm thực hiện nghĩa vụ trồng cây xanh là không thuyết phục.

 

Thực trạng đáng buồn này cũng diễn ra tại một số khu dân cư khác trên địa bàn quận 7 là Khu định cư Tân Quy Đông thuộc phường Tân Phong khi gần 1,8ha đất cây xanh vẫn bị bỏ hoang, mà phần lớn đã bị bao chiếm, gây tâm lý bức xúc cho cộng đồng.

 

Trước đó, Cty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn đã có văn bản giao Cty Thăng Long SBTC thực hiện công tác trồng cây xanh theo quy hoạch nhưng do thiếu sự phối hợp nên việc triển khai vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Nhằm giải quyết tình trạng này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Giám đốc Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý. Qua kiểm tra 55 D.A nhà ở tại các quận 7, 9, 12, huyện Bình Chánh thì có tới 15 D.A làm sai quy hoạch, “xà xẻo” diện tích mảng xanh, 17 D.A chưa xây dựng mảng xanh, 16 D.A còn lại vẫn bỏ trống, chưa xây dựng.

 

Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Công văn số 356-CV/TU ngày 5/9/2016 về tăng cường trồng, chăm sóc cây xanh, ngày 12/1/2017, Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản 158/UBND-ĐT, yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện định kỳ tổ chức kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch và chất lượng công viên cây xanh tại các D.A đầu tư xây dựng khu dân cư trên địa bàn các quận, huyện, nhằm tham mưu cho lãnh đạo địa phương kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

 

Nhận định về câu chuyện này, luật sư Phạm Tấn Thuấn -Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho rằng: Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm quy hoạch cây xanh thì người mua sẽ phải gánh chịu hàng loạt rủi ro tiềm ẩn về pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.

 

Lý do là khi chưa hoàn thành các hạng mục kỹ thuật, trong đó có cây xanh thì phần lớn chủ đầu tư sẽ nhờ vào mối quan hệ với UBND các quận, huyện để hợp thức hóa một số thủ tục nhằm tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà trên đất.

 

Ngoài ra, tại một số D.A khi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính không đúng quy định về thẩm quyền giải quyết như tại D.A khu dân cư Trung Sơn thì phần thiệt thòi phần lớn sẽ do khách hàng gánh chịu.

Nguồn Thanh Tra

Bình luận: 0