Ghé thăm phố trong rừng ở Singapore
Ở góc độ phát triển đô thị, Singapore được xem là có trình độ quy hoạch và quản lý đô thị rất tốt. Với diện tích chỉ nhỉnh hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam, dân số 5,3 triệu người, nhà ở hầu hết là chung cư cao tầng... rõ ràng Singapore là một trường hợp “nén” cao ốc trên diện tích hẹp. Tuy nhiên, đất nước này lại được công nhận là quốc gia xanh - sạch - đẹp và đáng sống hàng đầu thế giới. Lý giải cho chuyện này, một học giả phương Tây trong cuốn sách viết về các quốc gia phương Đông đã thán phục: “Singapore chỉn chu đến từng centimet”. Là người nhiều lần đến Singapore, người viết bài này thấm thía điều ấy, đặc biệt là về tổ chức không gian và đời sống đô thị của đảo quốc này.
Từ “rừng trong phố” sang “phố trong rừng” Để phù hợp với hoàn cảnh đất chật người đông, ngay từ những ngày đầu lập quốc, Singapore đã quy hoạch đô thị theo cách thức ưu tiên không gian xanh, phát triển nhà ở chung cư là chủ yếu để tiết kiệm đất. Vì thế ngày nay dù đã thay đổi chiến lược phát triển từ “rừng trong phố” sang mức xanh hơn, văn minh hơn là "phố trong rừng , hơn 90% dân số Singapore vẫn bằng lòng sống trong các chung cư với đầy đủ tiện ích hiện đại, trong đó 84% nhà ở thuộc Quỹ nhà nhà nước (HDB). Tuy nhiên, chất lượng các “chung cư nhà nước” này dù đã có tuổi thọ gần 40 năm hay mới xây dựng đều rất tốt. Tại đây đương nhiên có khuôn viên đẹp, nhiều cây xanh thảm cỏ, chỗ vui chơi cho trẻ em, nơi tập luyện thể thao cho người lớn với những dụng cụ, máy móc thông dụng và sàn lót thảm cao su êm ái thay vì trải cát như các nước vẫn làm. Đã xanh rồi vẫn muốn xanh thêm Hôm 1/9, Cơ quan Quản lý xây dựng Singapore (BCA) công bố kế hoạch tổng thể Xây dựng xanh lần thứ ba để định hướng các nỗ lực xây dựng “xanh” tại quốc đảo sư tử trong 5-10 năm tới. Kế hoạch được Bộ trưởng Kế hoạch quốc gia Singapore Khaw Boon Wan thông báo tại lễ khai mạc hội thảo Xây dựng xanh quốc tế và triển lãm xây dựng BEX châu Á diễn ra tại đây. Bộ trưởng Khaw giải thích rõ kế hoạch tổng thể đầu tiên (thực hiện năm 2006) và thứ hai (năm 2009) tập trung vào việc “phủ xanh” các tòa nhà hiện có và xây mới. Kế hoạch thứ 3 sẽ đưa những nỗ lực “xanh” của Singapore “vượt ra ngoài kết cấu và phần cứng xây dựng” để tập trung hơn vào người sử dụng cuối cùng, nhằm thay đổi hành vi của họ. Cứ thế, đi kèm theo ý tưởng là giải pháp. Những người cư ngụ và chủ tòa nhà tại Singapore sẽ nhận được trợ giúp từ Quỹ Green Mark trị giá 50 triệu đôla Sing (SGD - gần 40 triệu USD) để bổ sung, lắp đặt mới các thiết bị tiết kiệm điện, nước tại nơi ở. Theo đó, hộ dân có thể được tài trợ đến 20.000 SGD. Một quỹ khác trị giá 52 triệu SGD cũng được thành lập để hỗ trợ các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và áp dụng những giải pháp mới trong xây dựng “xanh” ở vùng nhiệt đới. Trong lĩnh vực công, các tòa nhà công vụ hiện hành đã được yêu cầu phải phủ xanh tối thiểu hơn 5.000 m2 mặt sàn. Hiện Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% toàn nhà được phủ xanh.
Không cần đến áo mưa Singapore tuy “đất chật người đông” vẫn để trống hầu hết tầng trệt các chung cư và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hành lang che mưa, nắng cho người đi bộ. Phần tầng trệt đó chỉ nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng như để xe đạp, lắp đặt những bộ bàn ghế với kiểu dáng bắt mắt cho cư dân ngồi đọc báo, đánh cờ giao lưu thư giãn... Về hệ thống hành lang cho người đi bộ, dù ở các khu vực trung tâm hiện đại và sang trọng hay tận phía tây, phía đông đảo quốc này, cư dân từ nhà ở ra trung tâm thương mại - siêu thị, ga tàu điện ngầm, trạm xe buýt... hầu như đều có thể đi bộ trong hệ thống hành lang có mái che hiện đại, mỹ thuật với đầy đủ đèn thắp sáng, ghế ngồi nghỉ khi mỏi chân. Với những chỗ không có hành lang mái che người ta lại đi xuyên tầng trệt chung cư vốn bỏ trống nên chỉ cần đến cây dù che nắng là đủ. Cũng vì thế mà có thể nói đảo quốc Singapore gần như là nơi duy nhất trên thế giới người dân không cần đến áo mưa.