Chi phí dịch vụ công ích phải phù hợp với thực tế
Theo nội dung dự thảo mới nhất về việc hướng dẫn và lập quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị thì, sau khi Thông tư này có hiệu lực sẽ là cơ sở để hướng dẫn lập và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đô thị; duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; duy trì phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Theo đó, UBND các tỉnh, thành sẽ căn cứ nội dung của Thông tư này để hướng dẫn lập và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị như: quản lý nghĩa trang, quản lý công viên cây xanh, vườn thú và một số dịch vụ công ích đô thị khác cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Về nguyên tắc xác định chi phí dịch vụ công ích đô thị phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện thực tế thực hiện và phù hợp với thị trường. Chi phí dịch vụ công ích đô thị được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này là cơ sở để các cơ quan nhà nước xem xét, quyết định giá dịch vụ công ích theo phương thức đấu thầu, đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công ích đô thị và là căn cứ để thương thảo, ký kết hợp đồng, thanh toán và quyết toán hợp đồng thực hiện các dịch vụ này. Dự thảo Thông tư lần này của Bộ Xây dựng cũng đề cập rõ, việc quản lý định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị. Cụ thể định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để UBND các tỉnh, thành vận dụng áp dụng trong quá trình lập và quản lý chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị. Trường hợp điều kiện thực tế thực hiện của địa phương có sự khác biệt so với điều kiện quy định trong hệ thống định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố, UBND các tỉnh, thành xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành căn cứ phương pháp xây dựng định mức dự toán hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này để tổ chức xây dựng, điều chỉnh và quy định áp dụng cho các định mức dự toán công tác dịch vụ công ích đô thị của địa phương chưa có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố. Định kỳ hàng năm, gửi những định mức đã điều chỉnh hoặc xây dựng bổ sung về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý. Đối với hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là hợp đồng dân sự thì ngoài việc thực hiện dịch vụ công ích đô thị thông qua hợp đồng giữa cơ quan quản lý của địa phương với các DN, tổ chức, cá nhân cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đô thị. Hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc dịch vụ công ích đô thị. Hợp đồng là văn bản pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng. Các tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp chưa được thỏa thuận trong hợp đồng thì giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan. Giá hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là khoản kinh phí bên giao thầu cam kết trả cho bên nhận thầu để thực hiện khối lượng công việc theo yêu cầu về chất lượng, tiến độ và các yêu cầu khác qui định trong hợp đồng. Trong hợp đồng các bên phải ghi rõ nội dung của giá hợp đồng, trong đó cần thể hiện các khoản thuế, phí, trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí có liên quan. Các bên căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, dự toán chi phí, đơn đặt hàng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và kết quả đàm phán hợp đồng để xác định giá hợp đồng.
Đối với các hợp đồng thực hiện dịch vụ công ích đô thị đã được ký kết và đang thực hiện hoặc các dự toán chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không điều chỉnh, phê duyệt lại. Trường hợp cần thực hiện theo các quy định tại Thông tư này thì UBND các tỉnh, thành xem xét, quyết định.