Cây xanh đô thị bị “cắt tỉa” không thương tiếc!

Cây phải chết để nhường chỗ cho buôn bán, kinh doanh Những ngày gần đây, đi ngang qua tòa nhà 331 Nguyễn Trãi, không ai không cảm thấy tiếc nuối khi nhìn cây sọ khỉ cổ thụ đang dần chết khô, đã cưa bỏ hết cành, nhánh.

Theo xác minh ban đầu của các cơ quan chức năng thì cây này có dấu hiệu bị đổ hóa chất vào gốc. Mặc dù đơn vị quản lý đã thay đất nhưng cây này vẫn… vô phương cứu chữa. Cuối năm 2011, cây dầu mang số quản lý 29 trước toà nhà 235 Nguyễn Văn Cừ, Q.1 cũng bị “bức tử” do nằm chắn lối vào một khách sạn cao cấp đang xây dựng. Tháng 7.2012, trước công trình thi công chung cư Phú Hoàng Anh (đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè), 14 cây dầu hơn 5 năm tuổi, cành lá xum xuê đã bị đốn hạ, thay vào đó là... cây me tây. Đầu tháng 11.2012, người dân phát hiện cây xanh cổ thụ số 73 trước nhà 107 Lý Thường Kiệt, Q.11, bị trám xi măng kín gốc để có chỗ ngồi uống cà phê, ăn trưa. Mới đây, gốc cây xanh số 116 trước cửa hàng điện máy Công Danh (348 Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp) cũng bị “bịt miệng” bằng xi măng khiến cây không thể “thở” nổi. Những cây bằng lăng xanh tươi, nở hoa tím ngắt, lãng mạn ở khu Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) lại là “cái gai” trong mắt một số người có cây này trước nhà. Vì thế, trên các đường số 5, 7, 9, 10… cây bằng lăng liên tục bị người dân thẳng tay chặt cành, nhánh, ngọn, mắc xích vào cây để kéo cho ngã đổ, thậm chí có người còn ngang nhiên đốn hạ.

Một người dân ở khu Trung Sơn phản ánh: “Họ hạ cây vì cho rằng cây trồng sát nhà họ chả có lợi gì. Bọn trộm dễ dàng leo lên nhành cây để trèo cửa sổ vào nhà, lá và hoa rụng hoài, quét mãi mệt quá hay các lý do… lãng xẹt khác”. Không chỉ người dân, các công ty, đơn vị tư nhân và nhà nước cũng sẵn sàng xâm hại hoặc đốn hạ cây cho “rảnh chỗ” để thi công công trình. Theo số liệu do Công ty TNHH MTV Cây xanh công trìnhTP.HCM cung cấp, trong năm 2012, hàng loạt cây viết trên đường Hàn Hải Nguyên, Q.11 bị một đơn vị thi công cáp của Công ty điện lực Phú Thọ xâm hại. Khó bắt thủ phạm, chế tài quá nhẹ Số vụ bắt được thủ phạm giết hại cây chỉ đếm trên đầu ngón tay, và chế tài đối với hành vi này lại quá nhẹ. Lý do duy nhất là không có chứng cứ. Năm 2011, Khu quản lý Giao thông đô thị (GTĐT) 4 chỉ phát hiện 1 vụ người dân chặt cây ở huyện Bình Chánh và cũng không xử lý được, bởi cây này do dân trồng. Trong năm 2012, chưa vụ nào bắt tận tay thủ phạm. Tương tự, dù số lượng cây xanh ở khu vực trung tâm thành phố bị xâm hại nhiều nhưng trong 2 năm qua, Khu quản lý GTĐT 1 cũng chưa bắt được một thủ phạm nào. Chuyên viên Lê Thành Hiếu (Khu quản lý GTĐT 4, Sở GTVT) nói: “Mặc dù nhân viên đi tuần tra, kiểm tra thường xuyên, nhưng cây nhiều, nhân viên ít nên không thể nào túc trực canh cây 24/24 giờ được”. Hiện nay xử phạt vi phạm trong lĩnh vực cây xanh thuộc lực lượng thanh tra liên ngành của thành phố, các khu quản lý GTĐT không có thẩm quyền xử phạt. Mức xử phạt cao nhất hiện nay đối với hành vi xâm hại, phá hoại cây xanh là 10 - 15 triệu đồng.

Bình luận: 0